Làng Sen nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống trong những năm tháng niên thiếu của mình. Dưới mái nhà tranh của quê nội, tình thương yêu của gia đình, họ tộc và bà con xóm giềng đã nuôi dưỡng trong Bác một tình yêu với Đất nước và con người Việt Nam. Không biết từ bao giờ, ngôi làng nhỏ bé đơn sơ ấy đã trở thành cái nôi để hun đúc lên tên tuổi của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Du lịch Cửa Lò đến với Làng Sen (Kim Liên) nằm cách Thành phố Vinh khoảng 16 cây số, thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Nơi đây được biết đến là quê nội của Bác Hồ, là 1 trong 4 di tích quan trọng bậc nhất cả nước và cũng là niềm tự hào vô bờ bến của người dân xứ Nghệ. Nhiều người nói rằng, sở dĩ ngôi làng tên là Làng Sen là bởi vì ở đây luôn tỏa ngát hương sen mỗi độ tới mùa. Ngôi làng đẹp gây ấn tượng với du khách thập phương ngay từ con đường dẫn vào nhà Bác, đôi bờ tre rì rào theo gió, hàng râm bụt đu đưa nhè nhẹ cùng hương cau, hương bưởi dẫn hồn người hòa vào hồn quê, đất mẹ.
Cũng chính nơi này, hơn nửa thế kỷ trôi qua, không biết đã có bao nhiêu bước chân của những người con quê Hương Việt Nam tìm đến với niềm thành kính và sự xúc động sâu xa từ trong tâm hồn mình. Làng Sen nay đã trở thành Di tích lịch sử - văn hóa Kim Liên và là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Nên đến thăm Làng Sen vào khoảng thời gian nào?
Khách du lịch có thể ghé thăm Làng Sen vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Song khoảng thời gian du khách về thăm quê Bác nhiều nhất là vào tháng 5 hằng năm. Bất chấp cái nắng hè gay gắt, nóng như đổ lửa, nhiều du khách vẫn tìm về đây để ngắm đầm sen nở rộ, tỏa ngát hương thơm những ngày hè, xua đi cái mệt mỏi, ngột ngạt của miền Trung. Trong từng tiếng ve ngân ngày hè, mỗi du khách sẽ được lắng nghe những thuyết minh viên kể về câu chuyện của Bác với biết bao cảm xúc dồn nén, bao yêu thương và cả một sự thấu hiểu. Có lẽ, không ai là không cảm thấy xúc động khi lắng nghe những câu chuyện về thời niên thiếu của Người tại đây.
Đến Làng Sen bằng cách nào?
Để đến được Làng Sen, trước hết du khách phải tới được Nghệ An. Hiện nay, việc di chuyển đến Nghệ An khá dễ dàng, du khách có rất nhiều lựa chọn khác nhau về phương tiện. Du khách có thể đi bằng máy bay, xuất phát từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều có các chuyến bay thẳng đến thành phố Vinh. Hoặc du khách có thể lựa chọn đi bằng tàu hỏa xuống ga Vinh hay đi bằng xe khách, xe máy. Từ thành phố Vinh, men theo đường 49 đến cây số 13 thì rẽ vào con đường đất đỏ rợp bóng bạch đàn và những hàng phi lao là đến được Làng Sen.
Về thăm nhà Bác – nơi Người đã sinh sống suốt quãng đời niên thiếu
Ngôi nhà 5 gian lợp mái tranh đơn sơ, giản dị của gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Bác Hồ bắt đầu hiện ra sau lũy tre rợp bóng xanh mát. Đây là ngôi nhà được người dân làng Sen dựng trên mảnh đất học điền (rộng 2500 mét vuông) để mừng cụ Sắc đậu Phó bảng tại khoa thi hội năm Tân Sửu 1901.
Phía trước nhà có 2 sân nhỏ và 1 thửa vườn con con được vây quanh bằng hàng râm bụt. Ngôi nhà được dựng bằng tre và gỗ, lợp mái tranh mộc mạc và đơn sơ. Ngôi nhà có tổng cộng 5 gian: Hai gian phía ngoài là nơi đặt bàn thờ và tiếp khách - từng là chỗ đàm đạo chuyện thế sự của cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, gian thứ ba là chỗ ở của bà Nguyễn Thị Thanh – người chị cả của Bác, hai gian còn lại là nơi nghỉ và sinh hoạt của gia đình. Trong đó gian thứ tư có kê bộ phản gần cửa sổ để cụ Phó bảng nằm đọc sách, gian thứ năm cũng chỉ kê vỏn vẹn 1 bộ phản - là nơi nghỉ ngơi của ông Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (Bác Hồ). Kế bên nhà là nhà ngang sử dụng làm bếp.
Gian nhà dùng để tiếp khách của cụ Nguyễn Sinh Sắc
Nơi nghỉ ngơi của Bác và anh trai
Dù đậu Phó bảng nhưng những vật dụng trong nhà vẫn hết sức giản dị gồm tấm phản gỗ để nằm, chiếc chõng tre, chum sành đựng nước và cái chạn bát bằng tre… Hầu hết những đồ vật này đều do dân làng tặng, những kỷ vật này vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Có thể nói, ngôi nhà của gia đình Bác nhỏ bé, đơn sơ nhưng lại tiêu biểu những nếp nhà ở làng quê nông thôn Việt Nam thuở trước, mang đến cho du khách những cảm xúc lâng lâng và nỗi niềm khó tả.
Ngày nay, đến thăm nhà Bác, bạn sẽ nhìn thấy mái nhà tranh in dấu ấn thời gian, mộc mạc và giản dị nhưng sao thân thương và gần gũi quá. Không gian yên tĩnh, được bao bọc trong một màu xanh êm đềm của thiên nhiên, mọi thứ vẫn nguyên vẹn như ngày xưa ấy. Từng hàng cây, từng luống rau Bác đã chăm chút và yêu mến như còn phảng phất hình ảnh Bác tận tụy ngày nào.
Ngôi nhà này đã gắn bó với một thời kì đầy ý nghĩa và quan trọng của Bác từ cuối năm 1901 đến giữa những năm 1906, nơi đây chứng kiến quá trình học tập, trưởng thành của Người; là nơi khơi gợi, vun đắp những cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước và những nhận thức về thời cuộc của Bác. Hai ngôi nhà tranh ở quê nội Bác khá rộng, nhưng về đây gia đình Bác chỉ còn có bốn bố con. Mẹ Bác Hồ - bà Hoàng Thị Loan đã mất ở Huế. Vốn là người trọng ơn nghĩa nên việc đầu tiên ông Nguyễn Sinh Sắc làm là đặt bàn thờ ở nơi trang trọng nhất, tại gian nhà thứ hai, để thờ riêng hương hồn của vợ, mẹ hiền của các con.
Ông Nguyễn Sinh Sắc sau khi đỗ đạt đã từ chối con đường làm quan, về quê dạy học và bốc thuốc, làm những việc có lợi cho dân và giúp dân thật nhiều. Đạo lý và tính cách sống đáng kính trọng này sớm đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn và nhân cách của những người con thơ. Bác Hồ từ nhỏ đã được học với nhiều thầy nổi tiếng ở làng quê, làm liên lạc cho các sĩ phu yêu nước. Cũng chính trong căn nhà này đã chứng kiến được nhiều nhà nho đến đây để bình văn thơ, hội họp, có ngày kín đáo bàn luận việc nước. Bác là người con nhỏ hầu cha mình thuốc nước mỗi khi nhà có khách. Là một đứa trẻ có nhiều tư chất thông minh, mẫn cảm, Bác sớm đã lắng nghe và hiều được nỗi băn khoăn, trăn trở của các bậc cha chú giãi bày trước vận mệnh của nước nhà. Để rồi, tình yêu quê hương đất nước, ý chí giải phóng dân tộc của Bác đã sớm hình thành và nhen nhóm ở làng Sen, là khởi điểm để sau này Bác nghĩ đến việc tìm ra con đường cứu nước.
Ông Nguyễn Sinh Sắc, cha của Bác Hồ, qua thời gian đã sống và gắn bó với dân nghèo của mảnh đất xứ Nghệ, chia ngọt sẻ bùi với dân, cơm khoai không đủ no, dẫu rằng học vị của ông là cao nhất làng. Phải đến mùa hè năm 1906, khi triều đình Huế gọi ông về làm quan, không còn cách nào từ chối nữa, ông mới vào triều nhậm chức. Năm ấy, Bác Hồ 16 tuổi, đã theo cha vào Huế lần thứ hai, đây được xem là thời cơ thuận lợi nhất để Bác chuẩn bị đi tìm đường cứu nước. Cha của Bác chia tay xóm làng, và cũng từ đó chưa một lần tái ngộ về quê. Sau 50 năm xa cách quê nhà, Bác Hồ đã trở về thăm quê làng Sen hai lần vào năm 1957 và 1961.
Viếng thăm phần mộ cụ bà Hoàng Thị Loan
Ngày trước, ở Làng Sen có phần mộ của cụ bà Hoàng Thị Loan – mẹ của Bác Hồ. Tuy nhiên vào năm 1942, ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh ruột của Bác) đã đưa hài cốt của cụ bà an táng tại núi Động Tranh, cách làng Sen 5 cây số. Từ chân núi leo lên khoảng 300 bậc đá là phần mộ của cụ bà (người dân Nghệ An đã xây lại phần mộ vào năm 1985). Phần mái che được xây bằng bê tông cách điệu như hình chiếc khung cửi như gợi nhắc lại thuở sinh thời thân mẫu của Bác vẫn dệt cửi để nuôi con.
Có lẽ dù có đến bốn phương trời, nhưng đối với mỗi người dân Việt Nam, mảnh đất quê Bác vẫn là một trong những nơi thiêng liêng và sâu lặng nhất. Ngày này, những bước chân về với Làng Sen đều không khỏi xúc động, xao xuyến và càng thêm lưu luyến vùng quê thanh bình, mộc mạc nhưng lại rất giàu tình người này. Làng Sen đúng như cái tên của nó, mang một vẻ đẹp tinh khiết và quyến rũ một cách kỳ lạ. Trong cái nắng hè oi ả, những búp sen như góp phần làm dịu đi cơn nóng và mang đến một không gian làng quê trong xanh, êm đềm.